Blog

✴️ Bệnh hạt cơm và các thuốc điều trị

Bệnh hạt cơm là gì?

Bệnh hạt cơm là một bệnh ngoại da do virus Papovavirus (còn được gọi là Human Papilloma Virus – HPV) gây ra. Có hơn 100 loại HPV khác nhau, mỗi loại liên quan đến một vùng da và một tổ chức cụ thể. Hạt cơm có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm niêm mạc, cơ quan sinh dục, vùng hậu môn… Có những dạng chính của hạt cơm như hạt cơm thông thường, hạt cơm lòng bàn chân, bàn tay, hạt cơm phẳng, hạt cơm hậu môn và hạt cơm sinh dục. Trong số này, hạt cơm thông thường và hạt cơm phẳng là hai dạng thường gặp nhất.

✳

Điều trị bệnh hạt cơm

Các thuốc bôi tại chỗ

  • Mỡ salicyle: mỡ salicyle có nồng độ khác nhau từ 10% đến 40%, có tác dụng làm sạch lớp sừng, loại bỏ các tế bào chứa virus. Băng bịt cũng có thể được sử dụng để bôi thuốc và có tác dụng điều trị hiệu quả hơn.
  • Duofilm: chứa acid lactic 16,7% và acid salicylic 16,7%, có tác dụng kháng vi khuẩn và làm tan rã lớp tế bào sừng.
  • Collomack: chứa acid lactic 0,5g, acid salicylic 2g và polidocanol 0,2g, có tác dụng làm sạch lớp sừng, thích hợp cho điều trị hạt cơm sâu và có kích thước lớn ở bàn tay, bàn chân.
  • Cantharidin 0,7%: chiết xuất từ loại bọ cánh cứng, sau khi bôi thuốc từ 12 đến 24 giờ, bọng nước xuất hiện và sau vài ngày sẽ vỡ và khô lại.
  • Axít trichloracetic 33%: có tác dụng làm đông kết protein và gây tổn thương tế bào sừng.
  • Podophyllotoxin: thuốc chống phân bào, được bào chế dưới dạng dung dịch keo 25%.
  • Nitrat bạc 10%: có tác dụng làm sạch lớp sừng.
  • Axít 5-aminolaevulinic: bôi thuốc lên tổn thương và chiếu tia cực tím (UV) để diệt các tế bào chứa virus.
  • Imiquimod: chất kích thích miễn dịch, kem imiquimod 5% bôi hai lần mỗi ngày trong 6 đến 12 tuần.
  • Kem 5-fluouracil: ức chế sự phân bào của các tế bào, dạng kem, bôi 1-2 lần/ngày trong 3 đến 4 tuần.
  • Kem tretinoin 0,05%-0,1%: có tác dụng làm sạch lớp sừng, thường được sử dụng cho điều trị hạt cơm phẳng, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Sulfat kẽm: dạng dung dịch bôi tại chỗ, bôi 1 đến 2 lần/ngày. Sulfat kẽm gắn vào các phân tử glycoprotein trên bề mặt virus để ngăn chặn sự xâm nhập của virus vào tế bào. Thuốc này ít gây kích ứng và mang lại kết quả tốt cho những trường hợp có nhiều tổn thương.

✅

Các thuốc tiêm trong tổn thương

  • Bleomycin: một loại glycopeptide có tác dụng gây tổn thương tế bào.
  • Interferon alpha-2a

Thuốc tác dụng toàn thân

  • Cimetidine: thuộc nhóm kháng histamine H2, có tác dụng kích thích miễn dịch, tăng khả năng đại thực bào và diệt virus.
  • Sulfat kẽm: liều dùng là 10mg/kg/ngày.
  • Verrulyse-Methionin: chứa magie, canxi, methionin, sắt và mangan. Chất này được chỉ định cho tất cả loại hạt cơm. Liều dùng cho người lớn là từ 2 đến 4 viên/ngày.

Phương pháp điều trị phẫu thuật

  • Phẫu thuật lạnh: sử dụng nitơ lạnh ở nhiệt độ -196°C để gây bỏng lạnh và làm tổn thương tự tiêu.
  • Phẫu thuật bằng laser:
    • Laser CO2: có bước sóng 10.060nm, phá vỡ tế bào và làm bốc bay toàn bộ tổ chức. Tuy nhiên, phương pháp này kéo dài thời gian điều trị.
    • Laser màu: có bước sóng 585nm, hiệu quả nhưng đắt tiền.
  • Phẫu thuật cắt bỏ tổn thương: phương pháp này dễ tái phát và khó điều trị đối với những người có nhiều tổn thương.

Các phương pháp điều trị khác

  • Liệu pháp dùng băng dính: dán băng dính lên vùng da chứa hạt cơm, thay băng mỗi hai đến ba ngày để làm mỏng tổn thương và làm cho nó khỏi.
  • Tâm lý liệu pháp: đã có nhiều trường hợp chứng tỏ, sau một thời gian, tổn thương do hạt cơm tự khỏi.
  • Vắc-xin phòng virus: ít được áp dụng.

Phòng bệnh

  • Vệ sinh thường xuyên bằng sát khuẩn ở các địa điểm công cộng như bể bơi, nhà tắm công cộng, phòng tập thể dục…
  • Sử dụng bảo hộ lao động đối với những nghề nghiệp có nguy cơ cao mắc bệnh, như thợ giết mổ gia súc, người trồng hoa…
  • Loại bỏ tổn thương nếu có thể để loại bỏ nguồn lây nhiễm.

Website: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

Facebook: facebook.com/BVNTP

Youtube: youtube.com/bvntp

Related Articles

Back to top button